GỢI Ý LÀM BÀI || ĐỀ THI HSG NGỮ VĂN CẤP HUYỆN - PHÒNG GD&ĐT ĐÔ LƯƠNG, NGHỆ AN

Ngày 20/11/2023 17:30:42, lượt xem: 1937

Đề bài: Có nhận định cho rằng: “Văn học không chỉ quan tâm đến thế giới như nó đang là mà quan tâm đến thế giới như nó có thể và phải là"
 

Bài làm
Có ai yêu một loài hoa không hương, không sắc, có ai yêu cánh chim bay không gửi lại cuộc đời tiếng hót ngọt ngào, đắm say và có ai yêu những áng văn chương nghệ thuật ép khô trong xác chữ vô cảm? Bởi nguồn mạch sống và thế giới tình cảm khát vọng là linh hồn của tác phẩm cũng như hương sắc, tiếng ca là linh hồn của một đời hoa, đời chim vậy. Và “Văn học không chỉ quan tâm đến thế giới như nó đang là mà quan tâm đến thế giới như có thể và phải là".
Saltykov Shchedrin đã từng nói “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết". Vậy điều gì đã khiến các tác phẩm nghệ thuật bất tử? Ở tài năng hay ở tấm lòng của người cầm bút? Quan niệm trên đây đã khẳng định đặc trưng của những tác phẩm văn học. Văn học không chỉ phản ánh hiện thực mà thông qua đó gửi gắm ước mơ về thế giới lý tưởng, tốt đẹp hơn. Điều trước nhất mà văn học luôn chú trọng phản ánh đó là “thế giới như nó đang là”, là hiện thực cuộc sống, thế giới khách quan tồn tại xung quanh chúng ta. Nhưng văn học không dừng lại ở việc thể hiện bản chất của cuộc sống, cái mà văn học quan tâm hàng đầu là một “thế giới như nó có thể và phải là”. “Thế giới như nó có thể” là một thế giới mang những hạt mầm tiềm năng của tương lai, là con đường phát triển của hiện thực cuộc sống. Còn “thế giới như nó phải là” hay cũng chính là thế giới của những lý tưởng, khát vọng, ước mơ nơi tâm hồn con người. Ấy là một thế giới chứa đựng những giá trị tốt đẹp, ca tụng lẽ phải, chính nghĩa. Văn chương nghệ thuật cần phản ánh thế giới thực tại của cuộc sống nhưng đồng thời cũng cần quan tâm, đi sâu khám phá vào thế giới nội tâm của con người để hiểu hơn về những tâm tư, khát vọng, giúp xây dựng trên trang giấy một “thế giới như nó có thể và phải là”.
Nhận định trên là một nhận định hoàn toàn đúng đắn đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đặc trưng, sứ mệnh cao cả của văn học đối với con người. Vậy, vì sao văn học lại quan tâm đến “thế giới như nó đang là”? Standal đã viết “Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội.”, hay Tố Hữu đã nói“Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”. Người nghệ sĩ lấy chất liệu là cuộc đời, sự thật, để khám phá ra những vấn đề, hiện tượng của xã hội và con người. Sự thật cuộc sống là mảnh đất sống của văn chương. Dù văn chương là “tiếng nói của tâm hồn” thơ mộng, bay bổng như thế nào, vẫn luôn buộc với sự thật bằng một sợi dây bền chặt. Văn học và sự thật có một mối quan hệ gắn bó, mật thiết và chặt chẽ. Như Lê Quý Đôn đã từng nói “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi sông kì lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được”. Văn chương chính là gắn liền, bắt nguồn với sự thật, hiện thực, nếu tách rời khỏi sự thật thì đó là một tác phẩm vô nghĩa, không còn là “nghệ thuật vị nhân sinh” nữa. Nếu không mang dáng dấp của hiện thực cuộc đời, văn chương sẽ chỉ là những câu chữ rời rạc, bị bẻ gãy. Ngòi bút người nghệ sĩ không chỉ là đi tìm cái đẹp mà nó không bao giờ ngần ngại khám phá những gì tăm tối, nhỏ nhen vẫn tồn tại trong mỗi người, để tìm ra cái đẹp bên trong ấy. Cuộc sống là sự phong phú, đa màu đa dạng. Mỗi một người nghệ sĩ là một phong cách riêng, một quá trình đi tìm cảm hứng cho mình, nhưng phải dựa trên nền tảng hiện thực, sự thật đời sống. Một Thạch Lam với hiện thực cuộc sống tối tăm, tẻ nhạt trong “Hai đứa trẻ”. Hay như Nguyễn Du đã mang đến cho người đọc về sự thật của một xã hội phong kiến đầy đau khổ và đàn áp trong những tác phẩm thi ca của mình. Một Nam Cao với sự thật về nỗi lầm than của đời sống nông dân, nỗi lo cơm áo gạo tiền, dồn con người ta đến bước đường cùng, tước đoạt quyền làm người trong những câu chuyện của mình. Như vậy, người nghệ sĩ đã lấy sự thật cũng như việc phản ánh hiện thực là trung tâm cho tác phẩm của mình.
Nhưng nhận định như muốn tô đậm nhấn mạnh vào “mà quan tâm đến thế giới như nó có thể và phải là”. Vậy vì sao văn học cần khám phá cái thế giới “như nó có thể”, “như nó phải là”? Bởi trong quá trình phản ánh hiện thực xã hội văn học khai thác, tìm hiểu những vấn đề mang tính bản chất, những khía căn bản của cuộc sống. Chính từ độ chín của sự khát quát, khám phá ấy, văn học có tiền đề vững chắc để đưa ra những dự báo tương lai. Các nhà văn với đôi mắt tinh tường có khả năng nhìn thấu được sự phát triển tất yếu của cuộc sống, từ đó giúp họ tiên đoán, dự báo trước tương lai. Thông qua tác phẩm, nhà văn tác động vào bạn đọc bằng con đường tư tưởng, giúp người đọc hình dung về cuộc sống tương lai. Để rồi, người nghệ sĩ gián tiếp cải tạo xã hội, góp phần kiến tạo nên một thế giới “như nó có thể” cho nhân loại, một thế giới ngày mai tươi sáng hơn. Cho nên văn học bao giờ cũng quan tâm đến việc xây dựng cái thế giới “như nó có thể”, vì chính thế giới ấy sẽ giúp cho con người thoát khỏi bóng tối của cuộc sống thực tại và hướng họ về một tương lai tốt đẹp. Và thế giới “như nó phải là” là những khát vọng, tâm tư tình cảm mà tác giả gửi gắm. Để chạm đến những hoài bão, ước vọng – nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người văn học phải len lỏi vào những suy tư, lắng nghe những tâm sự, những tình cảm buồn vui của loài người. Nếu tác phẩm văn học không trưng bày một thế giới “như nó phải là” mà miêu tả “cuộc sống chỉ để miêu tả” thì sao có thể là một tác phẩm chân chính? Thế giới trong tác phẩm phải là thế giới được vun đắp nên từ những ước mơ, lý tưởng con người, là thế giới ca tụng sự công bằng, tình yêu thương, cái thiện. Chính thế giới ấy đã khiến cho văn học có những nét đặc trưng riêng biệt mà không một môn khoa học nào có được, tuy thống nhất nhưng không đồng nhất với hiện thực cuộc sống, thay đổi, cải tạo xã hội đúng với lý tưởng mong muốn của con người.

 

ĐỌC HIỂU: BÀI VIẾT CỦA HỌC SINH GIỎI LỚP 9 - CHỨC NĂNG CỦA VĂN HỌC


Có thể nói, mỗi nhà thơ, nhà văn đều tìm đến cuộc đời, một cuộc đời mà mình từng gắn bó, yêu thương. Và có lẽ chính sự gắn bó sâu nặng ấy đã đem đến thành công trong trang văn, trang nghệ thuật. Đặc biệt trong đó phải kể đến những thi phẩm đã “soi bóng thời đại mà nó ra đời". Thơ ca phải gắn liền với cảm xúc của người làm thơ. Thi sĩ không chỉ viết “những điều trông thấy" mà phải bằng chính “nỗi đau đớn lòng". Cuộc sống trong xã hội phong kiến xưa đã được Nguyễn Du thể hiện qua Truyện Kiều bằng sự đồng cảm chân thành. Trong đó, người đọc không khỏi ngỡ ngàng trước hiện thực tàn khốc của xã hội lúc bấy giờ qua đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Số phận nàng Kiều lận đận, đớn đau đến mức nhà thơ Tố Hữu đã ví như cánh bèo lênh đênh, bơ vơ lờ lững giữa dòng đời trong đục. Cuộc đời nàng trước nay vốn ấm êm yên bình, nay lại bị cuốn theo vòng xoay của cơn bão dữ. Bao biến cố khủng khiếp xảy ra: gia đình bị vu oan, cha và em lâm vào cảnh tù tội, còn nàng sau khi tự nguyện bán thân đã bị đẩy vào chốn lầu xanh sống cuộc đời tủi nhục. Sau khi tìm đến cái chết không thành công, Thúy Kiều bị đem ra giam ở lầu Ngưng Bích, một nơi hoang vắng quạnh quẽ, bóng người hiếm hoi, nơi mà nàng chỉ có thể sống trong cô đơn, tự mình gặm nhấm nỗi buồn của chính mình. Những dòng thơ đầu của đoạn thơ như mở ra một không gian bao la rộng lớn, nơi của một không gian nghệ thuật và một tâm trạng nghệ thuật đồng hiện, nơi cảnh vật và tâm tình tìm được tiếng nói chung, tiếng nói của một trái tim đơn côi, một tâm hồn lạnh lẽo:


Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.


Trong cảnh ngộ cô đơn éo le ấy, nàng chỉ còn biết trải lòng mình lên cảnh vật, gửi gắm tâm hồn vào thiên nhiên, lắng nghe tiếng thổn thức phát ra từ tận đáy con tim. Cảnh tượng nơi lầu Ngưng Bích này thật đẹp: có núi non xa, vầng trăng gần đều hút chung vào tầm mắt. Hai từ ngữ đối lập “xa – gần” cùng từ “ở chung” như góp phần hoàn thiện thêm cái cảnh tượng thật nên thơ nhưng cũng thật quạnh quẽ phía trước lầu.


“Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”


Có thể nói rằng, lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam, bức tranh tâm tình thê lương của nhân vật lại được vẽ nên một cách trọn vẹn, gợi cảm và xúc động như vậy. Bằng ngòi bút của mình, Nguyễn Du đã làm nổi bật lên nỗi buồn thương da diết đan xen cùng hàng bao niềm nhớ của nàng Kiều bằng một tấm lòng cảm thương thấu hiểu và một nhiệt huyết tràn đầy, sôi nổi, say sưa. Điệp ngữ “buồn trông” được sử dụng xuyên suốt đoạn trích tạo thành điệp khúc cho đoạn thơ và cũng tạo nên điệp khúc tâm trạng Thúy Kiều. Nỗi buồn trong Kiều như trào dâng như lớp sóng ồ ạt dồn về phía đại dương mênh mông. Nỗi niềm đó cứ triền miên, cứ dai dẳng, đeo bám, tạo thành cái vòng luẩn quẩn không lối thoát, con người ta có muốn vùng thoát ra mà cũng không thể nào được. Mỗi cảnh vật như đều nói lên nỗi niềm tâm sự ấy. Qua đó, đại thi hào Nguyễn Du đã lên án, tố cáo hiện thực lúc bấy giờ, phơi bày bộ mặt xấu xa tàn bạo của xã hội phong kiến Việt Nam đương thời và nói lên hiện thực cô độc, mong manh của những kẻ tài sắc. Đúng như Lê Duẩn đã nhận định “cô Kiều đương sống trong một thời kỳ phong kiến bước qua tiền tư bản. Đồng tiền đã muốn làm chủ thế gian. Đồng tiền đã chà đạp nền đạo lý thần thánh của phong kiến. Trung hiếu, tiết hạnh, tài hoa, nhan sắc như cô Kiều đã bị đồng tiền làm cho ba chìm bảy nổi, đã hóa cô Kiều làm món hàng xa xỉ của thế gian… Đồng tiền giải quyết mọi việc khó khăn của xã hội. Thế là hết đạo lý, thế là hết tài với sắc. Mọi sinh hoạt xã hội đều quay về đồng tiền…”. Nguyễn Du đã tố cáo và lên án xã hội độc ác ấy bằng những lời thơ sắc nhọn. Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, bọn sai nha, dưới ngòi bút thi sĩ, đã hiện ra thành những bộ mặt đáng phỉ nhổ, những hành vi đáng thống mạ và khắc sâu vào trán lũ người táng tận lương tâm ấy dấu ấn của sự bỉ ổi muôn đời không gột sạch được. Chúng tiêu biểu cho hạng người chỉ thờ có đồng tiền, chỉ có một lẽ sống là kiếm nhiều tiền, bất kể đến tình cảm, lương tâm, nhân đạo. Hạng người này là sản phẩm của một xã hội mà đồng tiền đã thống trị, hễ có tiền là mua được tất cả: hạnh phúc vật chất, địa vị xã hội, thế lực uy quyền…
Nhưng không chỉ phản ánh hiện thực mà thông qua đó Nguyễn Du gửi gắm ước mơ về thế giới lý tưởng. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du thể hiện ước mơ đẹp đẽ về một tình yêu tự do, trong sáng, thủy chung trong xã hội mà quan niệm về tình yêu, hôn nhân còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim - Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc. Truyện Kiều còn là bài ca ca ngợi vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng... Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó. Trong hiện thực khốc liệt đó, Thuý Kiều hiện lên vẫn là một cô gái chung thuỷ và hiếu thảo hơn bao giờ hết. Trong cảnh ngộ đớn đau ấy, trong tim người con gái bỗng trào dâng một nỗi nhớ thương da diết. Từng trang ký ức của quãng thời gian yên bình, của một thời sống ấm êm bên gia đình, người thân được nàng Kiều chậm rãi lật lại, và cũng từ từ nhen nhóm trong lòng nàng niềm nhớ nhung man mác mà dai dẳng khôn nguôi.


“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.”


Nàng nhớ về Kim Trọng, mối tình đầu trong sáng ngây thơ, hạnh phúc, ngọt ngào chỉ vừa mới bắt đầu đã đột ngột kết thúc. Hình ảnh ẩn dụ “người dưới nguyệt chén đồng” đã nói lên tất cả những chua xót trong lòng Thúy Kiều. Mới ngày nào cả hai còn cùng nhau nói lời thề nguyền dưới trăng, đã “Đinh ninh hai mặt một lời song song”, đã cùng nhau nhấp cạn chén rượu tình chung “Chén hà sánh giọng quỳnh hương” thì hôm nay mỗi người đã lẻ loi ở một nơi khác nhau. Kim Trọng về quê chịu tang chú còn nàng phải “Bên trời góc bể bơ vơ” chốn lầu Ngưng Bích quạnh vắng cô đơn. Nỗi nhớ đan xen cùng nỗi nhớ. Và cái cảm giác có lỗi với người yêu cứ lẫn vào nhau, quấn lấy tâm trí nàng. Bất hạnh ập đến quá nhanh, chia ly mà chẳng kịp nói lên lời từ biệt. Lòng nàng bỗng quặn đau khi nghĩ đến chàng Kim đang mỏi mòn chờ đợi tin tức mình, cũng như nàng lúc này vẫn còn ngóng trông tin tức người yêu. Xót cho Kim Trọng mãi chờ đợi mình, xót cho cái tình cảm ấm nồng mà sớm bị chia xa, Kiều càng xót hơn nữa cho cái thân phận bèo bọt nổi trôi, phải bất đắc dĩ mà mang danh bội thề phụ nghĩa của mình. Tuy vậy, nàng vẫn cố tự nhủ rằng tấm lòng son sắt thủy chung của nàng sẽ không bao giờ thay đổi dù trải qua biến chuyển của thời gian, không bao giờ phôi pha dù có gột rửa như thế nào, và dù rằng giờ đây nàng tự thấy mình không còn xứng với Kim Trọng nữa. Nỗi nhớ được Kiều chuyển từ Kim Trọng sang gia đình, người thân. Mặc dù đã tự nguyện bán thân lấy tiền cứu cha và em, mặc dù gia đình đã thoát khỏi cảnh tù tội, bên trong lòng Kiều vẫn canh cánh một niềm thương khôn xiết, một nỗi nhớ cay đắng đến xót xa. Các từ ngữ chỉ thời gian xa cách “hôm mai”, “cách mấy nắng mưa”, các thi liệu điển cố từ “Nhị thập tứ hiếu” ở Trung Quốc “sân Lai”, “gốc tử”, và sự xuất hiện của thành ngữ dân gian “quạt nồng ấp lạnh” càng tô đậm thêm nỗi lòng người con hiếu thảo. Kiều khắc khoải khi “nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn”, áy náy vì phận làm con cả mà chẳng thể nào chăm sóc, chẳng được thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng “quạt nồng ấp lạnh” cho cha mẹ, dù song thân đã già yếu, dù “gốc tử đã vừa người ôm. Hình ảnh ẩn dụ “tựa cửa hôm mai” cùng tâm trạng “xót” của nàng Kiều khi nghĩ đến cha mẹ lớn tuổi vẫn mỏi mòn ngóng đợi đứa con lưu lạc xứ khác, làm lòng nàng đau quặn thắt. Ai đời phận làm con lại không thể phụng dưỡng mẹ cha tuổi xế chiều, lại không thể ở bên hai đấng sinh thành sớm tối? Bốn câu thơ như cực tả nỗi nhớ thương cha mẹ nàng Thúy Kiều, và thật lạ thay, nỗi luyến nhớ ấy của nàng lại làm lòng ta xao xuyến, bồi hồi đến lạ. Song song với bức tranh hiện thực nói trên, Nguyễn Du có cả một thế giới mộng ảo giàu màu sắc và đa cung bậc. Con người thơ vốn thâm trầm, kín đáo và nội tâm ấy đã tự tìm cho mình một thế giới riêng. Hoặc thả hồn theo những giấc chiêm bao, hướng mình về quá khứ với cảm hứng hoài cổ, hoặc đắm mình trong những suy tưởng về cuộc đời hư ảo…
Tác phẩm Nguyễn Du có hiện thực trần trụi. Nhưng không chỉ có thế, nhà thơ thường xuyên bước qua ranh giới của hiện thực để đến với thế giới khát vọng. Điều này làm tác phẩm Nguyễn Du kết nối được với lòng người bao thế hệ một cách diệu kỳ mà đôi khi không giải thích được. Nguyễn Du đã xếp muôn vàn những điều trở trăn, suy nghĩ, buồn thương trong cuộc đời thật thành những nấc thang để tìm đến cõi mộng. Hiện thực càng khắc nghiệt, mong ước càng nhiều, càng chồng chất. Những nhân vật trữ tình với tâm sự nhiều buồn hận, nhiều điều bất đắc chí như Nguyễn Du thì những giấc mộng đẹp có được là mấy. Không cầu kì hoa mĩ, đó là những lời huyết lệ, những lời tâm can của chính nhà thơ. Một Thuý Kiều tài sắc như vậy, xứng đáng có một cuộc sống đủ đầy, một tình yêu trọn vẹn với người mình yêu hơn bao giờ hết. Mượn cốt truyện của những người xưa, Nguyễn Du không sao chép mà đã thổi hồn cho những con chữ, những hình tượng sống dậy và sống mãi trong tâm hồn của biết bao thế hệ con người Việt Nam hôm nay và mai sau.
“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”. Bất cứ nghệ sĩ nào sống sâu sắc với đời, đã đau đớn, mừng vui với những vui buồn, sướng khổ của loài người đều có quyền tự hào và tin tưởng về sự tồn tại bất tử của những tác phẩm nghệ thuật chân chính của mình.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên

- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

 

Tin liên quan